www.hitc.vn Giải pháp Công nghệ Viễn Thông
13/10/2022
Tuần lễ số Quốc tế tại Việt Nam 2022: Chuyển đổi vì một xã hội số bao trùm

Trong Tuần lễ số Quốc tế Việt Nam 2022 đang diễn ra tại Hà Nội, đại diện 3 nước Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản đã có những chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến chuyển đổi số tại quốc gia mình.

Sáng kiến xây dựng “vườn kỹ thuật số” của Nhật Bản

Tuần lễ Số Quốc tế Việt Nam – VIDW2022 đang diễn ra tại Hà Nội (từ 11 – 14.10.2022) với sự tham dự của khoảng 350 đại biểu là lãnh đạo, đại diện các bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành của các nước ASEAN và các nước đối thoại, các tổ chức quốc tế, hiệp hội, các doanh nghiệp số của Việt Nam và quốc tế.

Trong khuôn khổ Tuần lễ Số Quốc tế Việt Nam đã diễn ra diễn đàn chuyển đổi số Việt Nam – Nhật Bản với chủ đề “Chuyển đổi vì một xã hội số bao trùm” do Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam phối hợp với Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản tổ chức. 

 
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại Tuần lễ số Quốc tế Việt Nam 2022. 

Phát biểu tại diễn đàn này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông  Nguyễn Huy Dũng cho biết, Nhật Bản là quốc gia châu Á đầu tiên thành công trong công nghiệp hóa, bắt kịp các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Đồng thời, Nhật Bản cũng là quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết các bài toán xã hội như: Già hóa dân số, quản lý tài nguyên, biến đổi khí hậu…

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đánh giá, diễn đàn có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh Việt Nam đang quyết tâm phát triển xã hội số an toàn, toàn diện.

“Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia số và chuyển đổi số trở thành một phương thức phát triển mới của đất nước. Thách thức sắp tới của đất nước là xây dựng và duy trì thói quen sử dụng sản phẩm, dịch vụ số của mỗi người dân và đưa toàn xã hội tiếp cận bình đẳng, an toàn với các dịch vụ trên môi trường số”, Thứ trưởng nói.

Tại diễn đàn, ông Atsushi Umino, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Cơ sở hạ tầng số quốc tế, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản đã chia sẻ về Sáng kiến Vườn quốc gia số Nhật Bản (Digital City Garen Nation). Trong đó đặt ra các mục tiêu cụ thể với trọng tâm là hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ số làm nền tảng nâng cao năng lực thực hiện và không để bất kỳ người dân nào bị bỏ lại phía sau.

Đại diện đến từ Nhật Bản chia sẻ tại diễn đàn.
Đại diện đến từ Nhật Bản chia sẻ tại diễn đàn.

Liên quan đến việc đưa công nghệ ICT Nhật Bản ra nước ngoài, ông Atsushi Umino cho biết, Nhật Bản đang xây dựng hành lang pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp ICT triển khai công nghệ của mình tại nước ngoài. Theo đó, Bộ Nội vụ và Truyền thông cũng như Bộ Kinh tế Nhật Bản sẽ tài trợ mọi mặt cho các doanh nghiệp Nhật Bản đưa công nghệ ra nước ngoài.

Đại diện Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cho biết thêm, nước này đặt mục tiêu phổ cập Internet cáp quang không phân biệt trên đất liền, biển hay trên không; phát triển mạng lưới 5G phủ sóng 99% dân số đến năm 2030, mở rộng trung tâm dữ liệu và nghiên cứu phát triển mạng sau 5G.

Chiến lược số của Hàn Quốc

Cũng trong khuôn khổ Tuần lễ số Quốc tế đang diễn ra tại Hà Nội, Diễn đàn chuyển đổi số Việt Nam – Hàn Quốc đã được tổ chức.

Tại Diễn đàn, ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông), bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Hàn Quốc, với năng lực và bề dày kinh nghiệm trong thực hiện chuyển đổi số, sẽ là “cánh chim đầu đàn” trong hỗ trợ Việt Nam.

Chia sẻ kinh nghiệm tiến hành chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất, ông Lee Byoung Moog, đại diện Bộ Khoa học và Truyền thông Hàn Quốc Hàn Quốc cho biết quốc gia này là một trong những quốc gia thực hiện số hoá từ những năm 1983, đến nay đã trải qua 5 giai đoạn.

 
Đại diện từ  Bộ Khoa học & Truyền thông Hàn Quốc Hàn Quốc phát biểu tại diễn đàn.

Trong đó, cải cách hành lang pháp lý có vai trò quan trọng đảm bảo số hoá sản xuất. Đến nay, Hàn Quốc có hơn 50 bộ luật hỗ trợ phát triển các nền tảng phần mềm. Đối với các công nghệ mới, nước này sử dụng cơ chế áp dụng thí điểm (sandbox), vừa làm vừa sửa đổi dần dần.

Cùng với đó là hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn khi áp dụng các loại công nghệ tiên tiến. Chính phủ Hàn Quốc áp dụng cơ chế hỗ trợ đối với các sản phẩm công nghệ có vòng đời ngắn. Chẳng hạn, sau mỗi 5 năm, cơ sở hạ tầng công nghệ và hệ thống phần mềm tại đây thường được cập nhật hoặc phát triển mới.

Ngoài ra, công tác xây dựng đội ngũ chuyên gia kỹ thuật số cũng được chú trọng ngay từ chương trình đào tạo từ tiểu học cho đến đại học, với bản đồ kỹ năng dựa trên nhu cầu doanh nghiệp. Từ đó chuẩn bị nguồn nhân lực IT dồi dào, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Về mức độ đầu tư cho kỹ thuật số, so với các ngành công nghiệp khác tại Hàn Quốc, lĩnh vực ICT chiếm 12,9% GDP, 34,6% của xuất khẩu và 58% kinh phí nghiên cứu và phát triển (R&D).

Chiến lược số của Hàn Quốc nhận định, thế giới đang đối mặt với cuộc chuyển đổi mang tính cấu trúc, thúc đẩy bởi các yếu tố an ninh quốc gia, tăng trưởng kinh tế chững lại, xã hội phân hoá sau đại dịch và vấn đề biến đổi khí hậu.

Do đó, cách mạng công nghệ là động lực để các quốc gia vượt qua khủng hoảng, thích ứng với những thay đổi. Bất kỳ quốc gia nào dẫn đầu về đổi mới sẽ có khả năng nhảy vọt thành nhà dẫn dắt thế giới.

Chiến lược số của Hàn Quốc dựa trên nền tảng đảm bảo quyền riêng tư người dân, với tầm nhìn làm chủ công nghệ, trở thành hình mẫu cho thế giới, gồm 5 trụ cột: Xây dựng hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo xếp hạng toàn cầu; mở ra kỷ nguyên kinh tế dữ liệu; tái thiết kế toàn bộ lĩnh vực công nghiệp phần mềm; chuyển đổi đám mây với khu vực công tư và dự án K-Cloud phát triển bán dẫn; phần mềm và trí tuệ nhân tạo.